Tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3, có một bài văn "lạ" của một học sinh lớp 11. Em đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến rằng mình không thích tác phẩm đó. Đồng thời nêu lên nhiều nhận xét rất thẳng thắn về cách dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.
"... Đề bài thi HS giỏi năm nay là giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em, có tới 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế, khi mà thực sự là bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc hơn là phải học những bài tế khô khan, khó hiểu như thế này...
Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?... Chúng em và các cô - tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ...
"Qua bài làm của học sinh, có thể nhận thấy tuy còn thiếu hụt khá nhiều về kiến thức cơ bản, tuy sự hiểu biết còn nhiều phiến diện, nhưng đây là một học sinh có chính kiến, đáng quý là đã dám thể hiện chính kiến của mình một cách chân thành, trung thực bằng một bài văn nghị luận, ít nhiều có lý lẽ với cách diễn đạt lưu loát, uyển chuyển. Theo tôi, ở một phương diện nào đó, các thày cô giáo nên trân trọng, khích lệ những học sinh này".
"Lời phê" của thày Hà Bình Trị - chuyên viên phụ trách môn văn, Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT.
Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học, bao giờ cũng có những ý kiến trái ngược khen - chê, hay - dở, nhưng dường như HS bọn em chỉ có quyền thích , chỉ có quyền khen hay, mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học, hình như chỉ là việc của các nhà phê bình. Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"? Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.
Em biết bài viết này của em là hoàn toàn lạc đề, em không chỉ ra được cái đẹp, cái hay của tác phẩm bởi em không thấy nó hay, không thấy nó đẹp. Em cũng biết bài văn này cũng không được điểm nào, nhưng em chỉ muốn nêu lên chính kiến của mình trước tác phẩm, cũng như những bức xúc của một học sinh, khi phải học một chương trình không phù hợp. Em không muốn phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích. Và em hy vọng các thày cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó".
Bài văn đã được nhiều học sinh và thày cô giáo chuyền tay nhau đọc, bình luận. Rất nhiều học sinh tán đồng với ý kiến này. Còn các thày cô giáo thì dè dặt hơn. Có người bảo rằng phải cho 20 điểm mới xứng đáng, có người khẳng định bài văn chỉ đáng điểm 0. Còn thực tế, người chấm đã cho bài văn này 3/15 điểm với lý do: Viết lạc đề.
Một phụ huynh cho biết tuần trước, con trai ông - đang học lớp 5 tiểu học - có bài tập làm văn về nhà "Tả bà em". Cháu viết một bài dài hai trang giấy, nào là "bà em rất vui tính, rất khoẻ mạnh, rất yêu lao động... Người bà cao, dáng bà bước đi khoẻ mạnh, nước da bà hồng hào... ". Đọc bài văn, vị phụ huynh ngạc nhiên và bảo con: "Đúng là bà con ngày xưa khỏe mạnh, vui tính, hồng hào thật... Nhưng bây giờ đâu có như thế nữa. Bà bị ốm, nằm viện đã mấy tháng nay, người gầy lắm, chẳng làm việc gì được... Tuần nào con cũng vào thăm bà mấy lần, con thương bà, sao con không thử tả bà như hàng ngày con vẫn gặp. Bà đau như thế nào, bàn tay bà gầy ra sao...". Nhưng cháu trả lời không thể làm như thế được, vì đã có... mẫu rồi.
Rồi cháu giở cho xem quyển sách "Những bài văn mẫu", bài nào bài nấy giống hệt nhau, cứ tả người là phải tả từ xa tới gần, từ trên xuống dưới, rồi tính tình, công việc, cuối cùng là cảm nghĩ. Cháu bảo cả lớp ai cũng chép từ quyển sách này. Chỉ có chép thì mới được điểm cao. Vị phụ huynh thử cố thuyết phục cháu đừng làm vậy, nhưng cháu không dám nghe theo vì sợ bị điểm xấu...
Có câu chuyện về một đề văn tả "Ngôi trường của em". Học sinh nào cũng tả "trường em ngói đỏ, vôi hồng..." (mặc dù thời đó, đất nước ta có chiến tranh, còn nghèo, các ngôi trường đa số là nhà tranh, vách đất chứ không khang trang "ngói đỏ, vôi hồng..."). Và với lối tả đúng mẫu như vậy, học sinh đều nhận điểm 9, 10. Duy nhất có một học sinh "không biết sợ" lại tả đúng thực tế rằng "trường em rất nghèo, cửa kính vỡ hết, nhưng em vẫn rất yêu quý trường em...". Nhiều năm sau, khi gặp lại trò cũ, người thày năm xưa mới ngậm ngùi ân hận lẽ ra không nên cho em học trò đó điểm kém vì một bài văn đầy tình cảm chân thật xúc động.
(Theo Lao Động)